Sống Trong Chờ Đợi
KHuyen
(K) SỐNG TRONG CHỜ ĐỢITác giả: Nguyễn Bích LanNguồn: tuoitre.
vn1.
Lâm Anh, bạn thân của tôi, làm việc tại bộ phận quảng cáo của một nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Cậu ấy nói nhiệm vụ của cậu ấy là hằng ngày bằng mọi cách rót vào tai các khách hàng tiềm tàng của công ty thông điệp ngắn gọn và súc tích rằng Internet mang cả thế giới vào căn phòng của bạn.
“Mang cả thế giới vào căn phòng của bạn, ừ cứ cho là vậy đi, nhưng mang được cả thế giới vào căn phòng của bạn rồi thì bạn làm gì với cả thế giới đó” - tôi hỏi.
Lâm Anh bảo: “Thì cứ việc bơi trong đó, cứ bơi đi”.
Lâm Anh tặng tôi chiếc máy tính xách tay mua được từ một cửa hàng bán đồ cũ ở Singapore.
Cậu ấy tự kéo dài một kỳ nghỉ cuối tuần của mình ra thành ba ngày để dạy tôi những bài học tin học đầu tiên.
Sau đó với cuốn sách hướng dẫn sử dụng máy vi tính Lâm Anh tặng kèm, tôi tự bổ sung kiến thức và bắt đầu tập “bơi” trên Internet.
Ngày nào tôi cũng bơi trong cái biển thông tin hỗn độn, đa ngôn, đa nguồn ấy vài tiếng.
Tôi nhìn mọi thứ, đọc mọi thứ tôi tìm thấy trên đó.
Tôi đọc trang web của những nhà thơ, trang web của những thần đồng, trang web của những người bị ung thư, bị AIDS.
Tôi bơi sâu trong các trang tin, bơi cho quên đi một sự thật rằng ngày có bao nhiêu tiếng thì tôi phải sống từng ấy tiếng trong chờ đợi.
Tôi bắt đầu chờ đợi từ khi tôi 16 tuổi.
Người phát động cuộc chờ đợi của tôi là một vị thạc sĩ của một bệnh viện nổi tiếng.
Tôi nhớ ông ấy đã nói: “Loạn dưỡng cơ tiến triển.
Hàng triệu người mới có một người mắc căn bệnh này.
Hiện nay trên thế giới chưa có phương pháp điều trị.
Phải chờ đợi”.
Lúc nghe ông ấy nói thế tôi chưa hình dung ra được cuộc chờ đợi của tôi thế nào.
Tôi tin rằng tôi sẽ chờ đợi một cách bình tâm và kiên cường.
Nhưng tôi đã nhầm.
Chờ đợi là một nghệ thuật phức tạp, trong đó sự tự tin quá mức đôi khi cũng cần phải được điều chỉnh.
Tôi đã không khóc trong lúc người ta chọc kim vào cột sống của tôi để lấy tủy làm xét nghiệm.
Tôi đã không khóc khi người ta cắt một miếng cơ ở bắp chân tôi để đem đi làm sinh thiết.
Tôi đã không khóc khi phải uống triền miên một thứ thuốc nam đắng đến thắt cả ruột gan.
Tôi không khóc vì đau.
Tôi không khóc vì tuyệt vọng.
Tôi chỉ khóc vì ngày của tôi dài quá, thế thôi.
Bố mẹ tôi cố tình lờ sinh nhật của tôi đi trong ngậm ngùi, còn Lâm Anh thì bắt đầu có thói quen tổ chức sinh nhật cho cuộc chờ đợi của tôi một cách ý tứ và khéo léo.
Hễ cứ vào ngày 24-6, ngày ông thạc sĩ nọ nói với tôi cái từ chờ đợi như thể kê một đơn thuốc là Lâm Anh lại không tiếc thì giờ ôn lại vô số những chuyện vui của tôi.
Những chuyện vui của tôi đều thuộc về những ngày tôi còn khỏe mạnh.
Những ngày ấy tôi vừa chạm đến đoạn đời gương lược nên cũng đã biết là mình xinh xắn và đáng yêu, nhưng tôi không biết là tôi lại đáng yêu như trong cách nhìn của Lâm Anh.
Lâm Anh nói rằng hồi đó má tôi lúc nào cũng hồng, tóc tôi mượt và mắt tôi vui long lanh.
Lâm Anh nhớ như in cái ngày Lâm Anh thật sự coi tôi là bạn thân của cậu ấy, cái ngày Lâm Anh cố ý vẩy mực lên áo trắng của tôi và tôi đã dọa sẽ thưa cô giáo nhưng rồi tôi đã không làm thế.
Lâm Anh nhớ tất cả những lần tôi được tuyên dương dưới cờ, những lần tôi được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi, những lần cô giáo đọc những bài văn của tôi cho cả lớp nghe.
Lâm Anh nhớ tỉ mỉ những chuyện ấy đến nỗi cha tôi đâm ra nghi Lâm có vấn đề.
Bạn thử nghĩ xem khi một người nhớ tất cả những chuyện lớn chuyện nhỏ xảy ra với một người khác còn hơn cả nhớ chuyện của mình thì người đó có vấn đề gì.
Vào cái ngày cuộc chờ đợi của tôi đạt đến mốc năm năm thì chiếc vòng đeo tay của tôi tự nhiên tuột ra, rơi xuống đất.
Tôi đẩy xe lăn đến trước gương và ngồi nhìn mình trong đó.
Tôi biết mỗi năm tôi sút đến bốn năm cân.
Tôi biết năm sau trông tôi sẽ như thế nào.
Tôi sẽ chỉ còn da bọc xương thôi.
Căn bệnh cứ tiếp tục gặm mòn tôi và không ai có thể làm gì để ngăn nó lại.
Tôi vừa khóc vừa lăn xe đến với chiếc máy tính.
Tôi gửi cho Lâm Anh một tin nhắn chỉ có vỏn vẹn hai chữ cái “TV”.
Đó là lần đầu tiên Lâm Anh không tổ chức sinh nhật cho cuộc chờ đợi của tôi theo cái cách khéo léo và ý tứ của cậu ấy.
2.
Một hôm Lâm Anh gửi tin nhắn cho tôi khoe rằng cậu ấy vừa phát hiện ra một trang web cực kỳ thú vị và ra sức thuyết phục tôi truy cập.
Tôi lập tức vào mạng tìm trang web đó ngay.
Tôi đọc vài lời giới thiệu đầy vẻ hài hước trên trang chủ và tìm đến trang kế tiếp nơi tôi thấy một bảng xếp hạng lạ lùng, bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi nhất.
Tôi không hiểu người ta xếp hạng kiểu gì mà một người đàn bà chờ chồng mất tích 28 năm lại được xếp thứ nhất trong khi có những người phải chờ đợi cái điều họ chờ đợi tới 30, thậm chí 40 năm lại xếp tận thứ năm mươi, sáu mươi.
Tôi không thể luận ra tại sao một ông già 73 tuổi chờ đợi đứa con trai duy nhất bị kết án tù chung thân từ khi ông ta 55 tuổi lại nằm trong số những người bị xếp ở cuối bảng xếp hạng, càng không thể lý giải nổi tại sao một anh chàng đồng tính chờ đợi cuộc phẫu thuật liên quan đến thay đổi giới tính trong 12 năm lại được xếp ở vị trí thứ 18 trong số 94 người chờ đợi.
Tôi càng không hiểu tại sao người ta cố tình in đậm con số năm chờ đợi sau mỗi cái tên.
Những con số biểu thị thời gian chờ đợi đập vào mắt tôi khiến tôi đâm cáu.
Tôi không biết kẻ dở hơi nào lại lập ra một trang web kỳ cục như thế để làm gì.
Để người ta cười nhạo sự bất lực, sự chờ đợi ngu ngốc, hay để những người chờ đợi ganh đua nhau tiếp tục chờ đợi những điều không biết bao giờ sẽ đến?Với tư cách là một người đang phải chờ đợi và có nhiều khả năng trở thành một người chờ đợi có thâm niên, tôi gửi thư yêu cầu chủ trang web đóng trang web ngay lập tức để tách những người chờ đợi ra khỏi nhau, và không tiếp tục lôi kéo người khác vào những cuộc chờ đợi đằng đẵng.
Tôi phân tích, tôi lập luận, tôi khẳng định và tôi cảnh báo.
Tôi nhận được hồi âm ngay.
Chủ trang web không dùng tên thật viết cho tôi như sau: “Trong bức thư của bạn chúng tôi đếm được 17 từ “chờ đợi” và chỉ có sáu cụm từ “không chờ đợi” và “đừng chờ đợi”.
Thay vì tẩy chay và đòi xóa bỏ trang web này, bạn hãy đến với chúng tôi, bởi vì đơn giản bạn vẫn đang tiếp tục chờ đợi”.
Không thể nào chối bỏ được sự thật đó, tôi trút hết bực tức sang Lâm Anh.
Tôi bảo rằng Lâm Anh đã tìm nhầm thuốc cho tôi.
Tôi chê cậu ấy thiếu nhạy cảm.
Lâm Anh phản ứng rất điềm tĩnh, lại còn khuyên tôi nên đăng ký làm thành viên của trang web.
Lâm Anh bảo rằng nếu tôi làm việc đó rồi mà vẫn bực thì cậu ấy sẽ thừa nhận mình là một người thiếu nhạy cảm.
Tôi ấm ức đăng ký luôn chỉ để mau chóng được kể tội Lâm Anh.
Sau khi đăng ký tôi được cung cấp một danh sách gồm nickname của tất cả những người chờ đợi giỏi nhất.
Tất cả những nickname ấy đều bắt đầu bằng hai từ “Chờ đợi”: “Chờ đợi 15” “Chờ đợi 785”, “Chờ đợi 367”.
.
.
Tôi ngán ngẩm nhìn những chữ chờ đợi được nhân bản thành một chuỗi dài.
Mới nhìn qua tôi đã thấy ghét chúng.
Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau khi trở thành thành viên của trang web ấy tôi bị một người chờ đợi có mã số là 32 quấy rầy.
Người ấy hỏi tôi: “Bạn chờ đợi điều gì?”.
Tôi tỏ vẻ khó chịu bằng cách gửi đi chính câu hỏi ấy.
Chờ đợi 32 trả lời: “Chờ được tha thứ”.
“Có khi nào bạn nghĩ sự chờ đợi của mình là vô ích không?”.
“Khi nào nghĩ như vậy tôi sẽ cho bạn biết”.
Tôi hỏi tiếp: “Bạn không có cách nào khác ngoài chờ đợi sao?”.
“Trước đây có, bây giờ thì không”.
“Tại sao?”.
“Vì người sẽ tha thứ cho tôi không còn nữa”.
“Đồ hâm”.
Tôi nhấn lệnh gửi rồi bấm nút thoát.
Lần lên mạng sau tôi đang tìm Lâm Anh thì lại bị Chờ đợi 32 mời mọc.
Lời đầu của Chờ đợi 32 có vẻ rất thiện ý.
“Tôi không giận bạn đâu.
Đã có cả trăm người gọi tôi là đồ hâm rồi”.
Tôi không bắt chuyện.
Vài phút sau tôi nhận được dòng thứ hai: “Mỗi lần tôi đưa một người điên về nhà, số người bảo tôi hâm lại tăng lên”.
Tôi chẳng hiểu Chờ đợi 32 muốn nói gì.
Tôi hỏi: “Có ai lại đi đưa người điên về nhà cơ chứ?”.
Chờ đợi 32 trả lời: “Có tôi”.
Vẫn nghĩ Chờ đợi 32 trêu mình, tôi mỉa mai: “Bạn chịu đựng được mấy người điên một lúc?”.
“Nhiều nhất là 9 người”.
“Tôi không tin!”.
Lại chính là tôi chấm dứt cuộc trò chuyện.
Tôi quay sang tìm một Chờ đợi khác, một Chờ đợi có mã số là 937.
Tôi chủ động hỏi 937: “Bạn là nam hay nữ?”.
“Nam”.
“Bạn chờ đợi điều gì?”.
“Đứng bằng hai chân”.
“Bạn ngồi xe lăn?”.
“Tôi nằm nghiêng”.
“Bao nhiêu năm?”.
“38 năm”.
“Bạn làm gì trong lúc đợi?”.
“Tôi làm việc”.
“Làm việc ư? Bằng cách nào?”.
“Bằng ba ngón tay.
” “Bạn làm việc gì bằng ba ngón tay?”.
“Tôi viết báo.
” “Bao lâu bạn viết được một bài báo?”.
“25 bài/tháng.
Xin lỗi, tôi có điện thoại”.
Tôi không ngồi chờ 937 liên lạc lại mà “bơi” đi tìm Lâm Anh.
Tôi hỏi Lâm Anh rằng trước khi quảng cáo cái trang web kia với tôi cậu ấy có biết trên đó có những người điên, những người hâm và những người giỏi bốc khoác hay không.
Lâm Anh như thể đã chuẩn bị tinh thần cho kiểu phản ứng nóng nảy ấy của tôi liền gửi cho tôi một bài báo viết về một người dùng nhà của mình làm nơi tạm trú cho những người điên anh ta tìm thấy trên đường phố và địa chỉ của một loạt trang báo điện tử mà tôi có thể truy cập để đọc những bài báo do một người chỉ cử động được ba ngón tay viết.
Sau khi đọc tất cả những gì cần đọc, tôi ngồi ngây ra.
Chắc là Chờ đợi 32 và Chờ đợi 937 đã đem nickname của tôi rắc ra khắp thế giới ảo như người ta gieo hạt vào tiết xuân, thế nên những ngày sau đó hễ cứ vào mạng là tôi lại gặp một người chờ đợi.
Một người chờ đợi kể với tôi rằng nó đã từng là một đứa trẻ nhí nhảnh và vui vẻ cho đến cái ngày nó phải đứng mãi dưới một mái hiên để chờ mẹ nó đi mua ô che nắng.
Và rồi mẹ nó không bao giờ quay trở lại nữa, thế là nó trở thành một người chờ đợi trường kỳ, nó chờ đợi suốt mười ba năm.
Tôi cứ nghĩ rằng trong lúc chờ đợi nó đã nuôi niềm nghi kỵ đối với tất cả những ai ca ngợi tình mẫu tử.
Tôi cứ nghĩ tâm hồn nó phải gai góc, phải lạnh lùng lắm, thế mà nó lại là một nhà thơ.
Những bài thơ đoạt giải cao trong các cuộc thi thơ của nó đều là những bài về mẹ: mẹ yêu thương, mẹ dịu hiền, mẹ hi sinh hết thảy cho con, mẹ nâng bước con trên đường đời.
Nó đáng làm người đấy, tôi phục nó bởi vì tôi biết khi đời thờ ơ với tôi, tôi lạnh nhạt với đời gấp đôi.
Chờ đợi 133 là người chờ đợi thứ 27 tôi quen trên Internet.
Chị ấy có hoàn cảnh giống hệt tôi, cũng mắc căn bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển như tôi.
Chị ấy hỏi tôi câu hỏi mà tôi hay đặt ra cho những người chờ đợi khác: “Bạn làm gì trong lúc đợi?”.
Hiểu biết về 26 người chờ đợi trước mách bảo tôi rằng chị ấy hỏi như vậy không phải để tìm lời khuyên.
Tôi trả lời thành thật:- Tôi ăn, tôi ngủ, tôi đọc sách và lên mạng.
- Bạn đọc sách và lên mạng với mục đích gì?- Để giết thời gian thôi.
- Tôi có một cuốn hay lắm.
Tôi gửi qua mạng cho bạn đọc nhé.
- Tôi đồng ý.
Chờ đợi 133 gửi sách cho tôi qua email.
Phải mất gần hai tiếng chị ấy mới đính hết cuốn sách điện tử vào email.
Nghĩ đến cái công ấy tôi ngồi đọc.
Thế rồi câu chuyện về tuổi thơ khốn cùng của một đứa trẻ người Ai Len thuộc một gia đình theo Công giáo được viết bằng giọng văn phóng khoáng, dí dỏm và vô cùng cảm động đã cuốn hút tôi đến không ngờ.
Tôi đọc trong hai tuần hết cả cuốn sách và vẫn khát đọc đến nỗi vừa đọc xong trang cuối tôi liền liên lạc với Chờ đợi 133 hỏi xem chị ấy có phần hai của cuốn sách hay không.
Chờ đợi 133 trả lời: “Sau khi dịch xong cuốn này tôi đã tìm phần hai của nó nhưng có lẽ tác giả chưa cho xuất bản”.
Chờ đợi 133 là một dịch giả! Chao ôi! Tôi rên lên như một kẻ vừa bị đo ván trên sàn đấu quyền anh.
Tôi viết cho Chờ đợi 133: “Làm thế nào chị có thể quên đi cảm giác lẻ loi, quên đi những cơn đau, quên đi cái ý nghĩ rằng căn bệnh đang gặm nhấm mình từng giây, từng phút? Làm thế nào chị có thể quên đi tất cả để ngồi dịch từng trang sách?”.
Chờ đợi 133 trả lời: “937 có thể làm việc khi chỉ cử động được ba ngón tay.
Tôi còn cử động được cả mười ngón.
Và tất cả chúng ta đều còn cái đầu nguyên vẹn, nếu không chẳng ai có thể chờ đợi cho đến ngày nay”.
Tôi tiết lộ với chị ấy: “Tôi cũng biết tiếng Anh.
Cha tôi dạy tôi từ khi còn bé”.
“Vậy là bạn may mắn hơn tôi nhiều.
Tôi chẳng có một người thầy nào ngoài những cuốn sách”.
“Lâu rồi tôi không nghĩ đến tiếng Anh nữa.
Thực lòng tôi không chắc mình còn cần đến nó không”.
“Một ngôn ngữ là một kho báu.
Bạn là người giàu có đấy”.
Chờ đợi 133 quả quyết.
3.
Một buổi trưa cha tôi đi họp đồng môn về say khướt.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy cha tôi đi họp đồng môn, cũng là lần đầu tiên tôi thấy cha tôi say.
Những người đưa cha tôi về nói rằng cha tôi bắt đầu say sau khi uống cạn chén rượu thứ tư.
Họ nói cha tôi say lành lắm, chỉ khóc thôi.
Họ dỗ cha tôi như dỗ một đứa trẻ, không dỗ được họ đành phải đưa cha tôi về.
Có lẽ cha tôi bị ép uống rượu, cũng có thể cha tôi chủ động uống quá chén.
Buổi trưa ngột ngạt và buồn thắt ruột ở nhà tôi trở nên thảm hại khi con gái của bà hàng xóm dắt thằng con nhếch nhác của chị ta sang góp buồn.
Chị ta kéo thằng bé ngồi bệt xuống sàn, tồng tộc kể lại 26 năm khai hoang trên vùng cao của mình.
Chị ta nói ra rả như một con ve kêu không biết mệt.
Tôi không có tâm trạng để nắm bắt tất cả những thăng trầm của chị ta nhưng rốt cuộc tôi cũng buộc phải biết chồng chị ta chết khi chị ta còn đang mang thai thằng con, nhà chị ta bị lũ cuốn hai lần, chị ta trở về quê gây dựng lại cuộc sống với vẻn vẹn 400.
000 đồng.
Chị ta nói với mẹ tôi: “Cháu nhờ bà nói khó với ông hộ cháu.
Chỉ có ông mới giúp được thằng cu nhà cháu.
Nó ở trên rừng, đến tiếng Việt còn học buổi được buổi mất nói gì đến tiếng Anh”.
Cha đúng là cái thân khổ.
Cha dạy tiếng Anh cho tất cả bảy lớp của trung tâm giáo dục thường xuyên ở huyện, cho tất cả những ai lỡ hụt chương trình tiếng Anh phổ thông và tất cả những ai phải học tiếng Anh cấp tốc biết đến cha.
Cha dạy suốt, những lúc không dạy cha im lặng vì hết hơi.
Gần sáu mươi tuổi cha mới say một lần, vậy mà người ta còn định làm phiền cha.
Tôi gọi với ra nhà ngoài:- Nhóc con, vào đây.
Tôi vốn chỉ buột miệng gọi thế để ngăn không cho người đàn bà vừa ở rừng về đánh thức cha tôi khỏi cơn say và nhử cha làm theo tiếng gọi của lương tâm.
Tôi chỉ nói có vậy thôi mà mẹ tôi sáng ý làm sao lại thủ thỉ với người đàn bà kia rằng tôi thạo tiếng Anh lắm, và rằng tôi có thể giúp.
Việc được thu xếp chóng vánh như thể có bàn tay của Thượng đế.
Mẹ tôi vội vã đi lấy ghế cho thằng bé ngồi.
Lấy được một chiếc bê vào phòng rồi, mẹ tôi lại hối hả chạy ra bê một chiếc khác vừa tầm với thằng bé hơn.
Chuẩn bị cho chúng tôi xong xuôi mẹ tôi rút ra ngoài.
Tôi nghĩ mẹ tôi không thể làm gì được trong cái buổi chiều ấy khi hai cha con tôi mỗi người một sự lạ làm xáo động lòng mẹ.
Tôi bảo thằng bé mở sách ra.
Thằng bé vừa mở sách vừa nhìn xuống đôi chân teo tóp của tôi trên xe đẩy.
Tôi hỏi nó bằng giọng se sắt: “Nhóc, muốn ở quê hay lên rừng?”.
Nó đáp vẻ sợ sệt: “Cháu thích ở quê”.
Tôi xiết giọng thêm nữa: “Muốn ở quê thì ngẩng lên nhìn vào sách, nếu không ngày mai lên rừng luôn”.
Tôi dọa thế có tác dụng ngay.
Thằng bé không nhìn chân tôi nữa.
Tôi bắt đầu dạy nó chào bằng tiếng Anh.
Tôi dạy nó hỏi tên người khác, dạy nó nói và viết câu giới thiệu tên bằng tiếng Anh.
Nó vướng chỗ nào tôi lại lấy rừng ra dọa.
Dạy chừng một tiếng tôi cho nó giải lao.
Tôi vừa nói đến từ “giải lao” là nó lập tức đứng dậy.
Không phải vì chịu đựng tôi và cái thứ tiếng Anh khó học là một cực hình đối với nó nên nó đứng dậy theo cách đó.
Nó đứng dậy để dẹp chiếc ghế của nó lại lấy chỗ cho tôi di chuyển xe lăn.
Sự gấp gáp trong động tác của nó in vào não tôi.
Tôi đợi cha tôi tỉnh dậy tiếp nhận công việc dạy kèm thằng bé nhưng cha tôi nằm miết cho đến tối.
Hôm sau khi tôi đề cập đến chuyện đó, cha tôi thản nhiên nói: “Con nhận thì đi mà dạy”.
Tôi cho rằng cha tôi thách thức tôi và thế là tôi biến cơn tự ái thành sức mạnh giúp thằng bé đánh vật với tiếng Anh suốt những buổi chiều nóng nực.
Trong khi tật nói ngọng của nó làm tôi bị ức chế, những cử chỉ nho nhỏ rất người của nó lại xoa dịu tôi.
Dần dần tôi không lấy rừng ra dọa nó nữa.
Tôi cho nó nhiều cơ hội tự sửa sai và kiên nhẫn đợi nó vượt qua từng khó khăn.
Dạy nó được bảy buổi tôi phát hiện ra nó sắp viết hết giấy của tập vở đầu tiên.
Tôi cau mày bảo nó: “Bỏ trang hả?”.
Nó có vẻ sợ sệt như thể sắp phải nghe đến chuyện lên rừng.
Tôi bắt nó lật qua lật lại từng trang vở để tôi kiểm tra.
Nó không bỏ một trang nào hết.
Sở dĩ vở viết của nó mau hết là vì tất cả những từ, những câu tôi bắt nó ghi trong một buổi học đều được nó về nhà viết lại mười lần.
Tôi kinh ngạc nhìn nó như nhìn một người anh hùng.
Tôi nói với cha tôi: “Con đố cha tìm được đứa nào trong đám học trò của cha tự giác như thằng Sơn”.
Cha tôi bảo nếu cha tôi tìm được đứa nào như thế thì tôi phải nhận dạy tiếng Anh cho đứa ấy.
“Cha cứ tìm đi” - tôi thách thức.
Hiệu trưởng trường tiểu học của thị trấn nói rằng đích thân ông ấy sẽ dự một tiết học tiếng Anh của thằng bé Sơn ở trường và nếu nó thể hiện rằng nó có khả năng theo được các bạn thì ông ấy sẽ đồng ý nhận nó vào học.
Sau 2 tháng 18 ngày dạy nó tôi hồi hộp chờ đợi buổi sát hạch này.
Hôm ấy nó ở trường ba tiếng mà tôi cảm thấy mình như thể phải đợi cả ba năm.
Tôi không nghĩ được gì cả, chỉ bồn chồn đợi tiếng trống tan trường.
Tôi tin rằng thằng bé Sơn đã chạy một mạch từ trường về chỉ để đu người lên cửa sổ phòng tôi báo cái tin nó không phải lên rừng nữa.
“Cháu không phải lên rừng, không phải lên”.
Thế là đủ cho tôi, cho nó và cho cả người mẹ kém may mắn của nó nữa.
4.
Chuyện tôi giúp thằng Sơn hoàn thành chương trình học tiếng Anh hai năm trong vòng chưa đầy ba tháng được truyền miệng khắp trường tiểu học.
Một số phụ huynh đến gặp tôi đề nghị dựng lớp để tôi dạy cho con họ.
Tôi chưa sẵn sàng coi việc dạy tiếng Anh là một công việc thật sự cho đến cái hôm cha tôi dẫn về nhà năm đứa học sinh lớn ngỗng nghềnh.
Cha tôi chỉ vào tôi và nói: “Con gái thầy sẽ giúp các em tống cổ nỗi sợ tiếng Anh”.
Tôi kêu lên: “Cha, cha buồn cười thật.
.
.
”.
Cha tôi thản nhiên nói: “Tất cả đều tự giác không kém gì thằng cu Sơn.
Cha bắt các cậu ấy chép phạt có hai trang mà mỗi cậu nộp cho cha những năm trang đấy”.
Tôi cố nhìn qua vai những đứa học trò chỉ để thấy cái đầu bạc của cha tôi lắc lắc ra điều không muốn thương lượng gì cả.
Tôi quay sang hỏi những đứa học trò của cha:- Mỗi trang bao nhiêu từ?- Hơn 300 từ ạ.
- Hơn 300 từ! - tôi thốt lên kinh ngạc.
Tôi đem chút kinh nghiệm xóa mù tiếng Anh cho một đứa trẻ miền núi áp dụng vào công việc tống cổ nỗi sợ tiếng Anh cho những học sinh trung học chỉ còn chưa đầy một năm nữa đã phải đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp.
Khi cả năm đứa học trò của cha con tôi đều thi đỗ, tôi mừng quá liền báo tin cho tất cả những người bạn chờ đợi của tôi.
Họ chia vui với tôi và thi nhau thuyết phục tôi đăng ký tên vào bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi.
Họ nói rằng đã đến lúc tôi nên làm gì đó cho những người đã và sẽ đăng ký làm thành viên của trang web.
Tôi có thể chối trước bất cứ lý lẽ nào, trừ lý lẽ đó.
Những người bạn chờ đợi của tôi nói trước khi tên tôi xuất hiện trong bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi, đích thân chủ trang web sẽ gửi email chúc mừng tôi.
Tôi chờ đợi cái email đến.
Và một buổi trưa tôi mở nó ra đọc từ hộp thư điện tử của mình.
“Chào mừng bạn có mặt trong bảng xếp hạng những người chờ đợi giỏi.
Tôi, chủ trang web, xin thông báo rằng bạn được xếp thứ 62.
Vị trí đó không hề khiêm tốn.
Không phải số năm chờ đợi làm nên một người chờ đợi giỏi, sống như thế nào trong lúc chờ đợi mới là điều cốt yếu.
Khi bạn bắt đầu cuộc chờ đợi của mình từ ngày 5 tháng 4 năm 1994 bạn đã khóc rất nhiều, bạn nói rằng nếu số phận bắt bạn phải ở mãi trong bốn bức tường thì bạn mong được làm người mất trí để không phải nghĩ ngợi gì cả.
Qua ngày chờ đợi thứ 600 bạn không tự đi được nữa.
Bạn đã ném chiếc đài cá nhân vào cửa kính khi lần đầu tiên nhìn thấy bố bạn mang một chiếc xe lăn về nhà.
Vào ngày cuộc chờ đợi của bạn đạt đến mốc mười năm, bạn viết cho người bạn thân nhất của mình một bức thư có hai chữ “TV”.
Người bạn ấy không bao giờ nhắc đến bức thư đó và cũng chưa bao giờ hỏi bạn về nó nhưng anh ta tin rằng hai chữ cái kia là viết tắt của hai chữ “Tuyệt vọng”.
Người bạn ấy đã làm tất cả những gì có thể để ngăn không cho sự tuyệt vọng can dự vào cuộc chờ đợi của bạn, nhưng chỉ bản thân bạn mới có thể làm cho sự tuyệt vọng tránh xa bạn mãi mãi.
.
.
”.
Tôi bật khóc.
Tôi biết chủ trang web chính là Lâm Anh, người bạn đã chờ đợi cùng tôi suốt chừng ấy năm.
HẾT
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian